Làng dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam cách xa
Hà Nội chưa đầy 60 km đường bộ, về phía Nam
Làng
dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam cách xa Hà Nội chưa đầy
60 km đường bộ, về phía Nam. Làng có vị trí nằm sát triền đê sông Hồng màu mỡ
phù sa và thuộc vùng chiêm trũng của đồng bằng Bắc bộ, địa hình tự nhiên vốn lắm
hồ nhiều ao và những gò đất nổi…
Đến
thăm làng dệt lụa nổi tiếng đã có lịch sử lâu đời, một ấn tượng bất ngờ khi
chứng kiến những ngôi nhà ở kiểu biệt thự thời Pháp thuộc mà ta vẫn quen gọi là
“biệt thự Tây”, được xây dựng lên từ gần trăm năm nay lại đang tồn tại lay lắt
giữa làng quê hưng thịnh này. Và khi được diện kiến nét đẹp cổ, vững trãi đến
kiêu kỳ của những ngôi biệt thự kiểu Pháp của làng, thì sự hoài nghi về nguy cơ
nay còn, nhưng mai sẽ mất đi vẻ đẹp tiềm ẩn, mất đi một quỹ di sản kiến trúc quý
giá của làng quê Nha Xá có thể diễn ra!
Hiện
còn đó những biệt thự vẫn đang ẩn mình tọa lạc trong những khuôn viên xanh rờn
vườn cây ao cá, một số vẫn đang còn giữ vai trò chủ thể trong không gian xưa
cũ…, tất cả đều xứng đáng giá trị là những dấu ấn một thời vàng son của làng
nghề dệt truyền thống Nha Xá. Cũng bất ngờ thay, con số hiện còn đến 18 ngôi
biệt thự nhưng đều chung số phận là bị xuống cấp nghiêm trọng. Những cơ ngơi này
của thế hệ trước để lại đang bị bỏ rơi trong sự bất lực và thờ ơ của thôn làng
và của chính những chủ nhân thuộc thế hệ con cháu đang sở hữu chúng.
Theo
lịch sử của làng, xưa kia dân làng được Nhân Huệ vương – Phiêu kỵ đại tướng quân
Trần Khánh Dư (?-1339) truyền nghề cá, trồng dâu nuôi tằm và dệt vải, nhờ vậy
Nha Xá đã trở thành làng nghề phát triển và nổi tiếng về dệt lụa đến nay. Để
tưởng nhớ công ơn, dân làng hàng năm vẫn tổ chức nghi lễ linh thiêng và tôn thờ
Trần Khánh Dư làm Thành hoàng làng trong ngôi đình hiện có (do cố KTS Tạ Mỹ Duật
thiết kế từ năm 1916-1920). Nghề dệt là nguồn sống chính luôn được người dân
phát huy cao độ, Nha Xá hiện có đến 80% hộ dân có khung dệt, khoảng 65% vẫn giữ
được thu nhập bằng nghề dệt. Lụa Nha Xá thuộc hạng đầu ở Việt Nam và chỉ xếp sau
lụa Hà Đông, xưa nay không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra
nước ngoài. Trong khoảng những năm 1920 (được coi là thời thịnh vượng nhất của
làng dệt Nha Xá), khi đó lụa được sản xuất và xuất khẩu rất nhiều, nông dân
nhiều người đổi đời từ thợ dệt thành những lái buôn đi vào nam và ra các nước
Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chính việc buôn bán phát đạt trong thời gian dài
đã làm cơ sở cho việc xây cất lên những ngôi biệt thự có niên đại từ những năm
1920 đến năm 1940 ở khắp làng thời đó và một số đang còn tồn tại đến ngày
nay.
Đi
trên con đường làng trải bê tông phẳng lỳ quanh co uốn khúc, tai nghe vui tiếng
khung cửi lạch cạch xa gần, đến khoảng gần cuối làng chúng ta dễ thấy một ngôi
biệt thự xưa hiện lên trước mắt. Ông Phạm Khắc Tiệp, chủ nhà ân cần giới thiệu
cơ ngơi (mà ông nội của ông đã xây dựng lên từ năm 1930) cùng bản vẽ của ngôi
nhà do người Pháp thiết kế mà ông đang lưu giữ. Căn biệt thự này còn gần như
nguyên vẹn, bố cục cân xứng, cao 2 tầng, mái ngói. Quy mô nhà tuy không lớn
nhưng tính chất và đặc điểm về nội ngoại thất công trình, về kết cấu sàn dầm gỗ,
bộ cửa và bộ mái, ban công lan can sắt và cầu thang gỗ… thì đặc sệt lối kiến
trúc cổ điển Pháp. Các hình trang trí và gờ phào đắp nổi khá đặc trưng về hình
thưc và tỷ lệ, một vài chi tiết Á đông được cài vào mặt đứng như chữ nho trên
chính giữa trán nhà hoặc chữ triện trên ô thoáng của cửa đi chính, đã cho thấy
những pha trộn Tây – Tàu nhất định. Phần trống duy nhất trước nhà là khoảng sân
nhỏ và một cây cổ thụ bên lối ra vào, luôn xanh tươi và tỏa bóng râm mát. Không
gian dù không rộng nhưng ngôi nhà vẫn giữ vai trò chủ thể trong bố cục khuôn
viên khu đất, được tôn vinh và thu hút tầm mắt người xem. Ngay kế bên biệt thự
này là một khuôn viên khác có ngôi nhà một tầng, dài liên hoàn 3 khúc tạo thành
hình chữ U hướng ngay ra phía đường. Ngôi nhà có một bố cục đẹp và được trang
trí tinh xảo, những con số đắp nổi các năm 1923, 1932 trên các bề mặt cho mỗi
khúc nhà không những chỉ ghi lại năm xây cất mà còn có một sức truyền cảm lạ
lùng. Rất tiếc, ngôi nhà này ban đầu là của một địa chủ, sau cải cách bị tịch
thu và chia làm 3 phần cho 3 người nghèo khó khác nhau dùng, hiện đang bị hỏng
nhiều chỗ và bị cấy vẩy lung tung… Cũng trong một khuôn viên khác của làng, ngôi
biệt thự của bà Phạm thị Đằng được xây nên từ năm 1934 cho dù phần nội thất đã
bị bong tróc gần như toàn bộ trần vôi rơm và một số hư hỏng khác, bà vẫn quyết
giữ để ở và làm nơi thờ tự. Chính vì vậy nội ngoại thất của ngôi biệt thự này
vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn dáng dấp xưa…
Mỗi
ngôi nhà ở kiểu biệt thự Pháp cổ của làng Nha Xá được xây dựng vào thời hưng
thịnh của làng, dù ở những vị trí khác nhau đều có sự tích gắn với những sự kiện
riêng. Chuyện về mỗi ngôi biệt thự vẫn còn đọng sâu trong trí nhớ của nhiều
người dân nơi đây. Ông Lê Như Thiều, nguyên là cán bộ lãnh đạo huyện, nay đã
nghỉ hưu và đang làm Trưởng thôn hồ hởi dẫn chúng tôi đi quanh làng và cứ xuýt
xoa nuối tiếc về một “điền trang thái ấp” gắn với ngôi biệt thự Đường Loan của
một chủ nhân giàu vào loại “đệ nhất Nam Hà” xưa. Do hư hỏng nặng nên con cháu đã
phá đi xây nhà khác từ mấy năm trước, nhà mới chỉ còn lưu chút vết tích cũ nên
không còn để đến xem… Một số căn nhà khác đã qua cải tạo sửa chữa nhiều lần
nhưng do không hiểu hết giá trị, không quan niệm phải bảo tồn nên cũng không còn
nguyên vẹn …
Cũng
theo lời ông Thiều, vào khoảng năm 1980 làng vẫn còn nhiều biệt thự kiểu Pháp
cổ, nhưng sau bị phá dần và đến nay chỉ còn khoảng 18 ngôi và phần nhiều đang bị
hư hỏng nặng. Các chủ nhân ngôi nhà toàn thuộc diện nghèo khó, già cả…không có
điều kiện kinh tế một phần nhưng một phần cũng do không hiểu giá trị hoặc không
thích nhà cũ nên rất khó khăn trong việc gìn giữ cũng như tôn tạo ngôi nhà của
chính họ. Theo bước chân ông, từ đường giữa làng rẽ phải, con đường nhỏ xinh
xinh rợp bóng cây xanh chạy ngoằn ngoèo dẫn đến một trong những gò nổi có vườn
cây lâu năm, bốn bề mặt nước. Thật quá ấn tượng, giữa vườn cây um tùm là biệt
thự của cụ Nguyễn Thị Phúc được xây từ năm 1933, mặc dù bị rêu phong, hỏng vỡ
nhiều chỗ nhưng ngôi nhà vẫn còn nguyên nét xưa và đẹp đến ngỡ ngàng. Ngôi biệt
thự tọa lạc trong không gian chan hòa ánh sáng và nổi trội các yếu tố thiên
nhiên, được lồng kết trong một bố cục lớp lang gồm cổng ngõ, sân vườn và ao cá
bao quanh. Có thể thấy ở đây một khuôn viên mẫu mực về không gian ở sinh thái mà
người dân nơi đây từ xưa đã tạo lập cho mình. Xế qua chừng vài trăm mét, phía
bên kia bờ ao cũng thấp thoáng một vài khuôn viên tương tự và ngôi nhà thì cũng
đang trong tình trạng cũ nát cần được tu bổ, sửa sang…Như vậy, riêng ở khu vực
này đã có một chùm gồm 3-4 biệt thự đặc trưng kiểu kiến trúc Pháp cổ hiện đang
tồn tại trong một quần thể cảnh quan sinh động và rất hấp dẫn không những để ở
mà còn có thể phục vụ tốt cho tham quan khi khách đến thăm làng nghề. Đó cũng là
một tiềm năng của dân, của làng quê này mà chính quyền và nhân dân địa phương
cần đánh thức và sớm có giải pháp để hồi phục, khai thác sưt dụng…
Không
đồ sộ, hoành tráng hoặc diêm dúa.. so với nhiều ngôi biệt thự khác, nhà ở kiểu
biệt thự Pháp cổ ở Nha Xá nhìn chung là nhỏ nhắn và khiêm nhường nhưng lại rất
đẹp và thơ mộng trong khung cảnh làng quê. Chúng đã thể hiện sang trọng một thời
vàng son của dân làng và cũng chính chúng đã tạo nên một diện mạo kiến trúc
riêng, đặc trưng cho Nha Xá mà ở các làng quê khác khó có thể có được.
Trước
nguy cơ nay còn – mai mất, số phận của những ngôi nhà ở kiểu biệt thự Pháp cổ ở
Nha Xá mà chúng tôi đã có dịp tiếp cận, dù ở góc độ nào cũng cần sớm được xem
xét, đánh giá để bảo tồn và phát huy giá trị. Từ mỗi ngôi nhà đến khuôn viên cục
bộ cần nghiên cứu bổ sung, giữ nét đặc trưng riêng để lồng kết vào tổng thể
chung của làng. Các biệt thự Pháp cổ của làng cần được ghi nhận là một quỹ di
sản kiến trúc quý giá trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Mộc Nam. Hãy
coi chúng như những báu vật của làng để gìn giữ không những làm vật chứng cho
một thời phồn thịnh, về thế hệ người đi trước đã làm ăn tài giỏi và giàu lên từ
chính nghề dệt, mà còn là bằng chứng của dân làng Nha Xá trong sự phát triển
tiếp nối./.
(Nguồn
: Internet)